Ngày 27/6/2005, Sở Khoa học và công nghệ Bắc Giang và UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xác lập quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn có ý nghĩa rất lớn đối với một vùng chuyên canh vải thiều lớn nhất của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Xuất - Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bắc Giang cho biết: đây là tiền đề nâng cao uy tín và thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Cây vải thiều bắt đầu được trồng ở Lục Ngạn từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng đến đầu những năm 1990 việc trồng vải mới thực sự phát triển mạnh. Năm 2004, diện tích trồng vải thiều của huyện có gần 13 ngàn ha, năm 2006 đã lên tới 19.125 ha /39 nghìn ha của cả tỉnh, sản lượng vải thiều hàng năm của Lục Ngạn đạt trên 120.000 tấn. Vải thiều đã thực sự là cây thế mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập GDP toàn huyện, là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có quy mô phát triển thành một loại cây hàng hóa thực sự. Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn chiếm tới 30 - 40% tổng sản lượng vải tươi tiêu thụ ở thị trường trong nước và trên 50% sản lượng vải khô xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây chuỗi giá trị của vải thiều Lục Ngạn chưa được khai thác, chưa phát huy hết so với tiềm năng vốn có của nó. Những mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho vải thiều Lục Ngạn bị đánh đồng với vải của các địa phương khác. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn là việc làm cần thiết để xác định tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường. Xây dựng chỉ dẫn địa lý là một chiến lược phối hợp đồng bộ tất cả các khâu trong sản xuất như chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch....
Năm 2004, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt đề án: "Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2005-2010". Trong đó, có chú trọng đến sản phẩm vải thiều. Sở KH-CN đã hỗ trợ Hội làm vườn huyện Lục Ngạn xây dựng nhãn hiệu tập thể: "Vải thiều Lục Ngạn" và đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ NHHH số 62801 (theo quyết định số 4930/QĐ-ĐK, ngày 17/5/2005).
Mặc dù có nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng: rượu Làng Vân, mì gạo Chũ, bánh đa Kế... các sản phẩm này đều xứng đáng được xác lập quyền với tên gọi chỉ dẫn địa lý, nhưng vải thiều Lục Ngạn vẫn được tỉnh Bắc Giang ưu tiên lựa chọn để xây dựng dự án tham gia giai đoạn đầu của Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN (Chương trình 68).
Bằng sự nỗ lực của cơ quan chủ trì, và sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan liên quan, ngày 25/6/2008, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00015 cho vải thiều Lục Ngạn. Khu vực địa lý bao gồm 20 xã và thị trấn thuộc huyện Lục Ngạn (thị trấn Chũ, các xã Đồng Cốc, Biên Sơn, Biển Động, Giáp Sơn, Hồng Giang, Kiên Lao, Kiên Thành, Mỹ An, Nam Dương, Nghĩa Hồ, Phì Điền, Phượng Sơn, Quý Sơn, Tân Hoa, Tân Lập, Tân Mộc, Tân Quang, Thanh Hải, Trù Lựu ). Ông Xuất cho rằng, việc xác lập quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn có ý nghĩa rất lớn. nó khẳng định được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ tính chất và chất lượng đặc thù của quả vải thiểu trồng ở Lục Ngạn khác với các loại vải thiều trồng ở các địa phương khác. Mặt khác, đây cũng là cơ hội đẩy mạnh sự phát triển các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái miệt vườn. Chỉ dẫn địa lý là căn cứ pháp lý quan trọng và lâu dài, góp phần làm tăng giá trị tích lũy và phát triển thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn |